|
TWI - công cụ nâng cao kỹ năng làm việc của NLĐ
1- Đào tạo trong công nghiệp (Training Within Industry - TWI) là phương pháp huấn luyện dạng cầm tay chỉ việc dùng cho giám sát viên, tổ trưởng đào tạo, huấn luyện tay nghề cho người lao động. TWI được phát triển tại Hoa Kỳ vào năm 1940 và triển khai cho đến năm 1945. Mô hình TWI được phát triển để đáp ứng nhu cầu rất cao về vật tư cho thời chiến được sản xuất và cung ứng bởi một lực lượng lao động hạn chế về số lượng và kinh nghiệm. Cho đến nay, TWI vẫn chứng tỏ hiệu quả với ngành công nghiệp tại các quốc gia trên thế giới do có phương pháp luận độc đáo, mang lại sức mạnh cho lực lượng tuyến đầu tại doanh nghiệp. Các chương trình triển khai của TWI được đánh giá là thiết thực và cơ bản; lợi ích của nó vượt qua thời gian, địa điểm và hoàn cảnh. |
2- TWI bao gồm ba chương trình huấn luyện cơ bản thực hiện tại doanh nghiệp gồm Chương trình huấn luyện kỹ năng chỉ dẫn việc (Job Instruction – JI), Chương trình huấn luyện kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc (Job Method - JM) và Chương trình huấn luyện kỹ năng quan hệ công việc (Job Relation - JR). |
3- Chương trình huấn luyện kỹ năng chỉ dẫn công việc (Job Instruction - JI): hướng dẫn cấp quản lý giám sát các công việc phải tuân thủ khi tiến hành đào tạo nhân viên bằng cách chỉ dẫn công việc theo Phương pháp 4 bước. Việc ứng dụng kỹ năng JI tại doanh nghiệp giúp đạt những lợi ích sau: - Rút ngắn thời gian đào tạo từ đó loại bỏ việc phải đào tạo lại nhân viên mới; - Cải tiến và chuẩn hóa hệ thống quy trình làm việc; - Xây dựng/ chuẩn hóa hệ thống đào tạo trong doanh nghiệp; - Chuẩn hóa tay nghề nhân viên theo cách làm tốt nhất; - Giảm sản phẩm khuyết tật, sản phẩm làm lại và phế phẩm; - Giảm tỉ lệ tai nạn, tạo môi trường làm việc an toàn hơn; - Giảm hư hỏng dụng cụ, thiết bị…; - Giảm sự lệ thuộc vào thợ lành nghề hay nhân viên kinh nghiệm lâu năml - Gia tăng sự hài lòng trong công việc của nhân viên. |
4- Chương trình huấn luyện kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc (Job Method – JM): hướng dẫn cấp quản lý giám sát tư duy cải tiến theo một phương pháp chuẩn mực. Kết quả đạt được khi các giám sát áp dụng kỹ năng JM gồm: - Chuẩn hóa hệ thống quy trình dựa trên thực hành tốt nhất của các nhân viên lâu năm kinh nghiệm hay thợ lành nghề; - Xây dựng văn hóa cải tiến liên tục từ các nhân viên kinh nghiệm, thợ lành nghề và các cấp quản lý giám sát như là một phần tất nhiên trong nhiệm vụ của người quản lý và không mong đợi được trả thêm tiền; - Tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực, máy móc và nguyên vật liệu có sẵn để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí; - Giảm tối đa sự phụ thuộc vào chuyên gia cải tiến bên ngoài từ việc xây dựng được đội ngũ chuyên gia cải tiến nội bộ là các cấp giám sát. |
5- Chương trình huấn luyện kỹ năng cải tiến quan hệ công việc (JR): hướng dẫn cấp quản lý giám sát nền tảng chuẩn mực để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và ngăn ngừa các vấn đề nảy sinh tại nơi làm việc. Chương trình cung cấp Phương pháp 4-Bước giải quyết vấn đề thường gặp trong doanh nghiệp như: - Mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân hay đội nhóm; - Thiếu tinh thần hợp tác và hỗ trợ nhau; - Các nội qui không được tuân thủ đúng mực; - Nhân viên không quan tâm; - Nhân viên mất hứng thú, không cẩn trọng trong công việc; - Mối quan hệ xấu giữa nhân viên mới và nhân viên hiện hữu; - Sự hài lòng của nhân viên đối với công ty và các cấp quản lý; Tất cả những mối quan hệ này đều ảnh hưởng trực tiếp lên kết quả của doanh nghiệp, đó là sản lượng, chất lượng và chi phí. |
6- Cả ba chương trình JI, JM và JI tập trung huấn luyện cho đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp, vì TWI cho rằng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm/dịch vụ bị ảnh hưởng lớn bởi đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất cung cấp dịch vụ, họ làm tốt đến đâu là do quản lý giám sát của họ dẫn dắt. Do đó, cần tập trung nâng cao năng lực thực thi cho đội ngũ quản lý giám sát tuyến đầu như quản đốc, tổ trưởng, nhóm trưởng … |
GIC Việt Nam |
|