 "Thòng lọng" tư duy
Thực hiện Đề án 30, nhiều bộ ngành, địa phương bày tỏ quyết tâm cắt giảm tối thiểu 30% các thủ tục hành chính (TTHC), có nơi còn mạnh dạn tuyên bố đưa con số này lên 50%. Nhưng khi bắt đầu công đoạn rà soát (giai đoạn hai), quyết tâm này bắt đầu phải đối mặt với những thách thức… cũ, đó là việc nhiều đơn vị lần lữa không muốn gỡ bỏ thủ tục. Chẳng hạn như tại Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, sau rà soát không có thủ tục nào giảm được thành phần hồ sơ. Lãnh đạo đơn vị nại rằng không giảm được vì ngành có những “đặc thù riêng”, cộng với việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ mới nên chưa đủ thời gian phát hiện TTHC bất cập… để đơn giản! Tương tự, trong 250 TTHC Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội phải rà soát, dù dự kiến sẽ đơn giản hóa tới 60% nhưng sau đó lãnh đạo lại nói “gặp khó khăn”, như mới có nghị định về đấu thầu nên đơn vị không biết có cần kiến nghị gì không. Ngay UBND quận Ba Đình dù cam kết sửa đổi tám TTHC nhưng kết cục… không đơn giản được thủ tục nào với lý do nó đã “rất chặt chẽ”... Lịch sử dường như lặp lại. Hơn 10 năm trước, khi dự án Luật Doanh nghiệp được gửi tới các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến, đa số công văn phản hồi đều nêu cơ bản nhất trí và không có ý kiến gì. Nhưng khi luật có hiệu lực và bắt đầu bãi bỏ các giấy phép các cơ quan quản lý mới “sực tỉnh”. Đầu tiên là trì hoãn việc bãi bỏ giấy phép, sau là tranh cãi, rồi “lách” bằng việc sinh ra các hình thức xin-cho mới. Thủ tướng tuyên bố năm nay phải quyết liệt gỡ một trong ba “nút thắt” kiềm chế tăng trưởng là TTHC. “Tư lệnh” Đề án 30, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ gắn kết quả cải cách TTHC với đề bạt, khen thưởng cán bộ. Nhưng qua kinh nghiệm thực thi Luật Doanh nghiệp trước đây và nhất là thực tiễn “va đập” ở Hà Nội cho thấy khoảng cách lớn giữa cam kết của lãnh đạo với hành động của công chức trực tiếp, bởi cắt TTHC là cắt lợi ích cục bộ. Một số công chức hiện chỉ lo mất quyền chứ không mong lên chức. Còn với doanh nghiệp, sự biến tướng của TTHC hiện không chỉ là “nút thắt” nữa mà là “thòng lọng” tiêu diệt sự phát triển lành mạnh. Thực tiễn đang đòi hỏi dũng khí mạnh mẽ hơn để cắt nới thứ “thòng lọng” trong tư duy này. (Theo Pháp luật Tp. HCM-19/2/2010) |