Trang chủ
Giới thiệu
Dịch vụ
Tin tức
Thông tin
Liên hệ
Đánh Dấu 10 Năm Đồng Hành Cùng Tổng Công Ty Xây Dựng Số 1 - CTCP (CC1)
Đánh dấu 10 năm đồng hành cùng Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1)
English Tiếng Việt
Tái cơ cấu kinh tế nhìn từ thủ tục hành chính

SGTT - “Chúng tôi phải mất 24 tháng một ngày mới được cấp phép đầu tư. Vậy làm sao đơn giản thủ tục đầu tư hơn nữa?”, chủ đầu tư một dự án bất động sản du lịch rộng 300ha vào Cát Bà hỏi tại diễn đàn thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản ngày 21.10 tại TP.HCM.

Không có câu trả lời cụ thể cho nhà đầu tư trong nước này. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh hy vọng trong tương lai sẽ có lời giải khi thực hiện đề án của Chính phủ nhằm giảm 30% thủ tục hành chính.

Trước lời giải đáp mang tính nguyên tắc của nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, ông Trần Xuân Giá thổ lộ, có lúc ông cũng bi quan về khả năng cải cách thủ tục hành chính trong tám năm có chân trong ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Hiện có chân trong hội đồng quản trị của một ngân hàng thương mại cổ phần, ông Giá chia sẻ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước: “Vô số cái trong thủ tục hành chính hiện nay cũng hành tôi không kém gì anh”. Cựu bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư xác nhận, một loạt cơ chế tưởng chừng dễ làm, làm nhanh được, mang lại hiệu quả thiết thực, thí dụ bắt đầu từ cải cách thủ tục hành chính, thế mà 15 năm rồi vẫn dẫm chân tại chỗ, cắt bớt thủ tục này mọc ra thủ tục khác.

Thủ tục hành chính rườm rà chỉ là một phần khiến cho môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, thông thoáng, theo đánh giá của ông Giá. Trong suy nghĩ của ông, ba vấn đề trở thành các điểm tắc nghẽn lớn đối với phát triển là thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng yếu kém. Vì vậy, trong báo cáo dự báo kinh tế Việt Nam 2010 trình bày tại diễn đàn về bất động sản, ông Trần Xuân Giá nhấn mạnh đến việc khắc phục những mặt yếu cơ bản của nền kinh tế để có dư địa cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, cơ bản nhất là chất lượng tăng trưởng.

Phân tích đóng góp của vốn, lao động và năng suất tổng hợp vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn từ 1993 tới nay, tiến sĩ Trần Xuân Giá chỉ ra, tăng trưởng kinh tế vẫn trong tình trạng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Ông Giá đưa ra con số tính toán, yếu tố vốn góp vào tăng trưởng là 52,7%, gấp gần ba lần đóng góp của nhân tố lao động. Theo kinh nghiệm của người từng đứng đầu bộ Kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư khó vượt qua con số 44% GDP và không thể kéo dài mãi tình trạng này. Ông Giá cũng cảnh báo về yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế còn thấp và tăng chậm. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp dừng ở mức 28,2% trong giai đoạn từ 2003 tới nay. Dù tỷ lệ này đã tăng từ mức 22,5% của giai đoạn 1998 – 2002, nó vẫn thấp hơn mức 35 – 40% của các nước trong khu vực.

Xét về năng suất lao động, trong giai đoạn 2000 – 2002, mỗi lao động của Việt Nam đạt 813 USD một người, trong khi đó lao động của Indonesia đạt năng suất cao hơn 2,18 lần, Philippines cao hơn 2,88 lần, Thái Lan cao hơn 4,39 lần. Giai đoạn 2006 – 2007, năng suất lao động của Việt Nam tăng lên 1.459 USD, thì của Indonesia gấp 2,51 lần, Philippines gấp 2,4 lần và Thái Lan gấp 4,24 lần. Điều này một phần phản ánh chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, với khoảng 60% lao động chưa qua đào tạo, một phần phụ thuộc vào trình độ công nghệ. Để tạo ra một đôla GDP, Việt Nam tốn lượng điện năng bằng 4,65 lần Hong Kong, 3,12 lần Singapore, 1,37 lần Thái Lan và 1,69 lần Malaysia.

Đầu tư nhiều như vậy nhưng chất lượng tăng trưỏng thấp, thông qua chỉ số kinh tế tri thức theo đánh giá của ngân hàng Thế giới. Năm 2008, Việt Nam xếp thứ 102 trong tổng số 133 nước được xếp loại. Ông Giá cũng lưu ý về chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư thuộc loại kém và hầu như không có chuyển biến trong giai đoạn 2001 – 2008.

Cho dù đầu tư nhà nước tập trung nhiều vào công nghiệp – xây dựng, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn lạc hậu khá xa so với yêu cầu và đang cản trở sự phát triển. Trong cơ cấu kinh tế, tuy tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng bình quân mỗi năm tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2001 – 2008 nhưng tỷ trọng khu vực dịch vụ giảm khoảng 0,06 điểm phần trăm, khiến cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo ba khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp chưa đạt được cơ cấu của một nước kinh tế đang phát triển thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp.

Phân tích những nút thắt tăng trưởng, tiến sĩ Trần Xuân Giá cho rằng, phải xử lý song song các giải pháp nhằm giải quyết hậu quả trước mắt của suy giảm kinh tế và cấu trúc lại nền kinh tế. Ông Giá nhấn mạnh đến việc thay đổi tư duy và mô hình tăng trưởng bằng lời cảnh báo: “Chúng ta không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng theo lượng, khuếch đại, sùng bái con số và che đậy khuyết điểm của nền kinh tế được nữa”.

Ba nút thắt được ông Giá nêu ra, có thể, sẽ được giải quyết trong đề án tái cơ cấu kinh tế. Tiến sĩ Võ Trí Thành, người có chân trong nhóm nghiên cứu đề án này, cho biết, một điểm mới trong đề án là có kèm các giải pháp thực hiện. Về điểm này, ông Giá vẫn băn khoăn về con người thực thi. Lấy lại trường hợp nhà đầu tư du lịch ở Cát Bà, ông Giá giả định quy định sau 30 ngày là cấp giấy phép nhưng có thể tới ngày 29 người ta mới thông báo hồ sơ chưa hợp lệ. Nhìn lại quá trình thực thi cải cách thủ tục hành chính, ông Giá nói: “Có khi không có vướng mắc về thủ tục pháp lý mà do con người cụ thể”.

Trích từ nguồn : Quốc Khánh / SGTT 28/10/2009



Thay Đổi Đối Với ISO/IEC 27001:2022  
28/4 - Ngày Thế Giới Về An Toàn Và Sức Khỏe Tại Nơi Làm Việc  
Tuyên Bố Của ISO Và IAF Về Các Yêu Cầu Phải Đạt Khi Chứng Nhận ISO 22000  
TWI - Công Cụ Nâng Cao Kỹ Năng Làm Việc Của NLĐ  
GIC Được Chỉ Định Là TCCN An Toàn Mạng Tại Singapore  
Thông Báo Thay Đổi Logo Và Mẫu Chứng Chỉ Của GIC  
GIC Việt Nam Thông Báo Lịch Nghỉ Tết Nguyên Đán 2022  
Thông Báo Thay Đổi Địa Chỉ Văn Phòng Giao Dịch GIC Việt Nam Tại Hà Nội  
Áp Tiêu Chuẩn Quốc Gia 'Ngăn' Hiện Tượng Nhũng Nhiễu Của Công Chức  
Thông Báo Lịch Hoạt Động Trong Dịp Tết Nguyên Đán 2021  
Copyright © 2009 GIC Viet Nam. All rights reserved. Designed & Developed by emsvn.com